+ Cấu trúc thư mục của Linux KHÔNG cần khái niệm các ổ đĩa: Cho dù bạn có bao nhiêu phân vùng thì đường dẫn tuyệt đối của một thư mục cũng bắt đầu từ một thư mục gốc có tên là '/' (đọc là 'root') , chứ không phải là C: hay D: ^^ . Bởi các phân vùng luận lý hoặc các ổ đĩa vật lý đều có thể được sẽ được "map" (ánh xạ) vào một thư mục con riêng biệt bất kỳ .
(thực sự thì Windows cũng map tự động các phân vùng logic thành các tên C:\ , D:\ , ... )
+ Trong đường dẫn của Linux, các thư mục được phân cách nhau bằng ký hiệu slash (sổ trái) / , trong khi với DOS/Windows là ký hiệu sổ phải \ (backslash)
+ Tên của các tập tin hoặc thư mục trong Linux phân biệt chữ hoa và chữ thường, VD: 'abc', 'Abc', 'ABC' là khác nhau. (trong khi trong Windows thì không phân biệt)
Từ thư mục root ta sẽ có các thư mục con, mỗi thư mục con lại có một số thư mục con nữa, cứ thế tạo thành 1 cấu trúc thư mục dạng cây (và đó cũng là lý do tại sao thư mục đầu tiên được gọi là gốc/rễ: 'root' ) . Tuy nhiên do tính cơ động cao, dễ mount/unmount và không tự phân thành các phân vùng con, cấu trúc thư mục của Linux có thể trở thành rất lớn (big tree) và khó nhớ . Vì thế người ta đã cố gắng tạo một cấu trúc thư mục đồng nhất, tổ chức sắp xếp phân cấp thành các nhóm theo chức năng.
Cho đến nay hầu như cách tổ chức thư mục trên Linux/Unix đã được chuẩn hóa, mỗi dòng phân phối Linux đều giống nhau ở một số phần chung (kể cả các BSD và Unix khác cũng tương tự), có thể nói là thống nhất mặc dù số lượng dòng phân phối Linux lên đến hàng trăm !
Bây giờ ta sẽ lược sơ qua các thư mục chủ yếu mà hệ thống Linux nào cũng đặt làm mặc định (default) : / , /boot , /bin , /home , /usr , /opt, /etc , /dev, /var, /tmp , ...
* Thư mục /
Đây thường được gọi với tên 'root directory' - nghĩa là thư mục gốc. Đây là nơi sẽ chứa mọi thư mục con khác. Đây là thư mục bắt buộc phải có cho bất cứ một hệ thống linux nào.
* Thư mục /boot
Thường được dùng để chứa kernel, và các cấu hình để boot hệ thống. Chẳng hạn có thư mục con /boot/grub là nơi chứa GRUB giúp cho việc multi-boot giữa nhiều hệ điều hành, đây là 1 thư mục đáng chú ý khi bạn cài song song Linux với Windows.
* Thư mục /home
Là nơi chứa tất cả các dữ liệu cá nhân cho từng user trên hệ thống (ngoại trừ user root). VD: tạo /home/CuTi là thư mục riêng cho user CuTi, /home/CuTeo là thư mục riêng cho user CuTeo ^^ . Cũng có thể phân ra kiểu khác: như có phòng ban SV và phòng ban GV thì ta đặt /home/SV/CuTi , /home/SV/CuTeo và /home/GV/Ninja, /home/GV/Mediocre , ...
* Thư mục /media và /mnt
Hai thư mục này thường được dùng để đặt các mount point, tức là điểm để mount thủ công các thiết bị. Như đã bàn ở trên, một partition muốn dùng được phải được mount. Các mount point đó thường được đặt trong /mnt. Một số các chương trình ứng dụng mới không dùng /mnt mà dùng /media là nơi default để đặt các mount point. Do đó, rất nhiều distro cung cấp cả hai thư mục, và sử dụng link để tương thích cho thói quen của user và các application.
(VD: phân vùng cài Windows của bạn thường được mount ở 1 trong 2 thư mục trên, USB flash disk cắm vào cũng thường được mount ở đây)
* Thư mục /usr
Là nơi chứa rất nhiều các chương trình được cài đặt trên hệ thống. Ngoài ra, các thư mục con của /usr còn dùng để chứa các tập tin chạy (binary), các library, các tập tin include, các manual pages, vân vân... Chẳng hạn từ điển StarDict thường được cài vào thư mục /usr/share/stardict , các tài liệu manual thì nằm trong /usr/man hoặc /usr/doc
(đây cũng là lý do mà sau khi cài Win tôi cài toàn bộ ứng dụng vào D:\usr thay vì C:\Program Files)
* Thư mục /dev
/dev là nơi kernel đặt các thiết bị (device) file. Trong linux và các hệ điều hành Unix-like, mỗi device đều được gán cho một file và các file này sẽ được đặt trong /dev. Chẳng hạn các ổ đĩa cứng ATA sẽ được nhận là /dev/hda , /dev/hdb, /dev/hdc... , còn các ổ SCSI và flash (USB) thì nhận là /dev/sda , /dev/sdb , ...
Ngoài các file device dành cho các hardware trên hệ thống, ở /dev còn có thêm một số file rất tiện dụng như /dev/zero, /dev/null, /dev/random.
Lưu ý: /dev là một pseudo fileSystem. Nghĩa là directory /dev là một file system ảo. Kernel sẽ tự tạo và đặt các device file vào /dev nếu như kernel nhận ra device đó. Bất kỳ một device nào cũng cần có driver để tương tác với kernel. Driver cho linux thường đã được nằm sẵn trong kernel. Bạn nào có config và rebuild kernel sẽ nhận ra có rất nhiều driver được support.
* Thư mục /etc
Nơi chứa các file cấu hình hệ thống, lưu dạng text để user dễ chỉnh sửa. Các tập tin đáng chú ý gồm có:
/etc/inittab : là một file định rõ những process nào được khởi động cùng hệ thống.
Ví dụ: bạn có thể cấu hình X –Windows có thể khởi động cùng với hệ thống hay ko, hoặc điều gì xảy ra khi bạn nhấn tổ hợp phím (CTRL+ALT+BACKSPACE).
/etc/fstab : file chứa thông tin mount tự động các thiết bị ngoại vi: HDD, CDROM ...
/etc/password : lưu giữ thông tin về user và password tương ứng
* Thư mục /bin
Đây là thư mục chứa các chương trình nhị phân (binary) thực thi cơ bản nhất trong hệ thống. Các file thực thi (executable) này thường là các chương trình thiết yếu và đủ để hệ thống có thể khởi động và làm việc ở mức căn bản.
(ngoài ra còn /usr/bin chứa nhiều utilities cho người dùng hơn, và một số hệ thống tạo ra /sbin , /usr/sbin dành cho các super user )
* Thư mục /lib
/lib thường là nơi chứa các library cần thiết cho hệ thống hoạt động. Một số thư mục khác cũng dùng để đặt lib gồm có: /usr/lib, /usr/local/lib.
Một thư mục đáng quan tâm khác trong /lib là /lib/modules. /lib/modules chứa các modules của kernel đang dùng. Nếu trên máy tính có nhiều hơn 1 kernel, trong /lib/modules sẽ có các directory khác tương ứng cho từng version của kernel.
* Thư mục /opt
/opt thường được dùng làm nơi cài đặt thêm các chương trình mang tính 'optional', có nghĩa là không có mặt mặc định chung cho hệ thống (server != desktop) . Chẳng hạn các gói như XAMPP thường được cài vào đây.
* Thư mục /tmp
Dùng để chứa các file tạm (temporary). Các file này thường được tạo khi chạy chương trình và xóa sau khi chương trình đã hoàn tất và thoát. (Nhưng các file tạm cỡ lớn và hay thay đổi thì thường lưu trong /var hơn là trong /tmp , chẳng hạn các file tạm của server , database)
Một điểm lưu ý là các users đều phải có quyền write và read trên /tmp. Một user bình thường hoàn toàn cần có /tmp để chứa các file tạm khi user đó sử dụng hệ thống.
* Thư mục /var
/var thường được gọi là 'kho chứa log' cho cả hệ thống. Mặc định, rất nhiều chương trình sẽ có log ở một trong các thư mục nằm trong /var. Để tránh bị "phình to" quá khổ thì thường sẽ có 1 script viết chạy thường trực kiểm tra dung lượng var và khi lớn đến mức nào đó sẽ report, gởi mail để có biện pháp clean hoặc tăng mount thêm ổ cứng vật lý ^^
* Thư mục /proc
/proc cũng là một pseudo fileSystem. Các file hoặc thư mục trong /proc sẽ được kernel khởi tạo trong lúc hoạt động. Trong /proc sẽ có các file hoặc thư mục tương ứng cho các process đang chạy, và ngay cả kernel. Rất nhiều kernel parameters có thể được xem và thay đổi bằng cách edit trực tiếp các file tương ứng trong /proc mà không cần dùng sysctl .
* Thư mục /root
/root là home directory cho account có quyền cao nhất trong hệ thống Linux, mặc định account này tên là 'root' . Thư mục này cũng tương tự như các home directory khác trên hệ thống. Chỉ khác ở điểm thư mục này không nằm trong /home/username mà được đặt ngay trong /
* [Bonus]
Ngoài các thư mục chính kể trên, Linux có thể còn một số thư mục khác nằm ngay trong / . Và thường Linux còn cần có một phân vùng hoán chuyển (swap) để làm vùng nhớ tạm khi RAM không đủ. Trước đây swap thường chiếm khoảng 1.5 đến 2.5 lần dung lượng RAM, nhưng bây giờ hệ thống nào cũng dư RAM, nên máy cá nhân chỉ cần 200-500 MB cho swap là đủ rồi :-)
(Cái Virtual Memory của Windows cũng là bắt chước từ cái swap này)
(Tổng hợp từ "Lập trình Linux" tập 1, khoaimi, và Wiki)
3 comments:
hay !
Thanks bạn nak !
blog của bạn là gì vậy :D
Mình ko làm blog :D, ko bít bạn bao nhiu tuổi nhỉ , mình vẫn đang là sinh viên.
Post a Comment